Lạng Sơn: Thoát nghèo nhờ trồng hoa trên “cát”, khung cảnh đẹp đến nao lòng

Lạng Sơn: Thoát nghèo nhờ trồng hoa trên “cát”, khung cảnh đẹp đến nao lòng

Những ngày đông này, dải đất cát dọc bờ sông Kỳ Cùng thuộc thôn Nà Rọ, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn trải một màu vàng của những luống cúc hoa. Những luống cúc hoa này không chỉ mở ra hướng đi mới giúp bà con giảm nghèo, mà còn hi vọng trở thành địa điểm du lịch, thu hút lượng lớn du khách.

Điềm He là một xã vùng II của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, người dân trong xã phần lớn trồng lúa, ngô. Song do người dân sản xuất nông nghiệp vẫn áp dụng phương pháp truyền thống, nên năng suất, chất lượng sản phẩm hoa màu còn thấp, người dân chủ yếu lấy công làm lãi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Tranh thủ trời nắng ráo người dân đang tất bật thu hoạch hoa cúc vàng.

Hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM, chính quyền địa phương xã Điềm He đã tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp. Xã vận động các hộ dân cùng nhau liên kết tham gia dự án trồng cây dược liệu (cây cúc hoa) thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM.

Từ những ngày đầu tháng 8, chính quyền và 22 hộ dân xã Điềm He đã tích cực triển khai trồng cúc hoa trên diện tích 1,1ha.


Các hộ dân tham gia dự án sẽ trồng cúc hoa theo chuỗi giá trị từ cung ứng giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, các hộ dân có nhu cầu đăng ký thực hiện trồng cây cúc hoa phải đảm bảo điều kiện về diện tích đất, nguồn nhân lực, có khả năng đối ứng trong chăm sóc cây trồng.

Đến nay, người dân ai nấy đều phấn khởi khi tới đây, dọc bên bờ sông Kỳ Cùng sẽ là những dải hoa cúc vàng nở rực rỡ.

Những bông cúc màu vàng tươi rói được thu hoạch sau đó đem phơi khô bán với giá từ 220.000 đồng/kg.

Việc trồng cúc hoa theo dự án giúp người dân hưởng lợi trên chính đồng ruộng của mình, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những bông cúc hoa nơi đây.

Bà Hứa Thị Sao (thôn Nà Rọ, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, đây là lần đầu gia đình bà cũng như bà con ở đâu trồng cúc hoa. Người dân được hỗ trọ cây giống, phân bón và kỹ thuật trồng chăm sóc, cắt tỉa và thu hoạch.

Hoa được trồng theo luống rộng 1m, chia khóm cách nhau 30 – 35cm. Sau nhiều lần cắt tỉa, vườn cúc của gia đình hiện tại đang nở rộ. Từ khi vườn cúc nở, rất nhiều người biết và tìm đến đây để chụp ảnh và ngắm hoa.

“Cúc hoa hiện mới cho thu nên hiện tại cũng chưa biết năng suất ra sao, hiệu quả kinh tế như thế nào. Tuy nhiên, ra vườn thấy hoa nở vàng dọc một dải kéo dài từ trên xuống dưới thấy cũng đẹp và cũng rất phấn khởi. Ai đến cũng ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp ngọt ngào, tươi mới của những khóm cúc vàng nơi đây”, bà Sao chia sẻ.

Trung bình một người thu hoạch được 4 -5kg hoa mỗi buổi.

Chị Lăng Thị Bình (thôn Nà Rọ, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, đây là hoa cúc dược liệu nên có mùi thơm nhẹ và rất tốt cho sức khỏe. Hoa cúc sau khi thu hái sẽ được phơi khô và có công ty cam kết bao tiêu thu mua với giá trên 220.000 đồng/kg hoa khô; trên 25.000 đồng/kg hoa tươi.

“Trung bình mỗi người có thể hái được khoảng 4 – 5kg hoa tươi/buổi. Người dân sẽ chỉ thu hái những bông hoa đã nở to sau đó mang phơi khô. Trung bình cứ 5-6kg tươi thì mới được 1kg hoa khô”, chị Bình nói.

Toàn bộ hoa cúc của bà con sẽ được doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ tạo sự tin tưởng giúp bà con yên tâm sản xuất.

Ông Lý Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết, xã cũng rất hy vọng cây cúc hoa sẽ mở ra một hướng đi mới cho bà con, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần làm tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời hi vọng, nơi trồng cúc hoa sẽ trở thành địa điểm du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch.

Năng suất dự kiến đạt 2.700kg hoa khô/ha. Từ năm thứ 2 trở đi, xã sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích lên 2ha/năm. Thu nhập bình quân tăng thêm cho các hộ dân tham gia dự án dự kiến khoảng 29 triệu đồng/năm.

Previous Post
Next Post

post written by:

Gardening

0 Comments: