Mỗi khi con vấp ngã hay bị điểm kém, đừng chăm chăm la rầy, mà hãy biến đó thành cơ hội để luyện cho trẻ động cơ phấn đấu. Lúc cha mẹ gặp khó khăn trong công việc, hãy thể hiện cho con biết mình đang cố gắng vượt qua như thế nào.
Theo thạc sĩ – chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) không phụ thuộc vào chỉ số thông minh (IQ), mà có thể hiểu nó là cách sống của một người. “Nếu IQ đánh giá về năng lực tư duy, duy lý (một điều kiện cần để thành đạt về mặt học thuật) thì EQ là yếu tố quyết định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời”, bà Thúy định nghĩa.
EQ cao sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, giúp trẻ thích ứng nhanh với cuộc sống. Điều này sẽ tạo cho trẻ một nền tảng tốt về nhân cách cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống làm nên thành công trong tương lai.
Ngược lại trẻ có EQ thấp sẽ thiếu bạn bè, sống thu mình, khó hòa nhập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé học kém. Nhiều khi chỉ vì tính thích gây hấn, hay không thích chia sẻ cái mình có với bạn bè mà trẻ bị bạn trong lớp tẩy chay, cảm thấy đơn độc, ảnh hưởng tâm lý, từ đó việc học cũng sút đi. Trong tương lai, nhóm trẻ này cũng khó kiến tạo các mối quan hệ tốt để phát triển sự nghiệp. Tình trạng thiếu xúc cảm có thể dẫn đến những chuyện tồi tệ hơn, thậm chí hành vi phạm tội. Hoặc do không nhạy cảm với tình cảm của người khác, trẻ có thể làm họ đau khổ mà không thấy hối hận hay cắn rứt…
Năm 1995, nhà tâm lý Dainel Goleman đã đề xuất 7 tiêu chí để đánh giá EQ gồm:
– Ý thức về khả năng của mình.
– Động lực phấn đấu.
– Tính kiên trì.
– Khả năng kiềm chế.
– Khả năng điều chỉnh cảm xúc.
– Lòng thấu cảm.
– Tinh thần lạc quan.
Để rèn luyện chỉ số EQ cho con, cha mẹ nên dạy bé từ lúc còn nhỏ, dù lúc ấy trẻ chưa biết nói nhưng vẫn hiểu được. Tương ứng với từng tiêu chí trên, sẽ có cách giáo dục phù hợp:
1. Để trẻ ý thức về khả năng của mình, cha mẹ cần tạo cho con lòng tự tin và thấu hiểu năng lực của bản thân. Nếu cha mẹ đánh giá con quá cao dễ khiến trẻ trở nên tự cao, còn nếu đánh giá quá thấp, sẽ khiến trẻ tự ti và hoài nghi về năng lực của mình. Lời khuyên cho cha mẹ mỗi khi con vấp ngã hay bị điểm kém, đừng chăm chăm la rầy, mà biến đó thành cơ hội để luyện cho trẻ động cơ phấn đấu. Lúc cha mẹ gặp khó khăn trong công việc, hãy cho con biết rằng cha mẹ đang cố gắng vượt qua như thế nào.
2. Động lực phấn đấu: Cha mẹ cần nuôi dưỡng ước mơ, xây dựng mục tiêu phấn đấu cho trẻ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần tránh áp đặt ước mơ, mục tiêu của cha mẹ lên con cái. Mục tiêu của bé có thể dễ thay đổi theo thời gian, do vậy cha mẹ nên kiên nhẫn theo dõi và ủng hộ con.
3. Kiên trì: Cha mẹ có thể luyện tính kiên trì cho trẻ qua việc cùng chơi với trẻ, ví dụ chơi xếp hình, nặn tượng, tô màu… Nên khích lệ con mỗi khi bé nhẫn nại thực hiện một hoạt động nào đó.
4. Khả năng kiềm chế: Muốn con trẻ có khả năng kiềm chế thì chính cha mẹ phải biết kiềm chế để làm gương, đồng thời giải thích cho trẻ hiểu trong từng tình huống cụ thể.
5. Khả năng điều chỉnh cảm xúc. Cha mẹ cần phải điều chỉnh cảm xúc khi dạy dỗ con. Khi con hư hỏng, nghịch phá mà người cha quá giận dữ còn người mẹ lại quá mềm mỏng sẽ khó dạy trẻ biết điều chỉnh cảm xúc. Vì thế cả cha và mẹ cần điều chỉnh cảm xúc để có thái độ dạy con đúng mực, như vậy trẻ mới hiểu mình cần phải xử sự thế nào cho phù hợp.
6. Lòng thấu cảm ở trẻ, cụ thể là lòng nhân ái, biết thương cả con vật, cây cỏ. Cha mẹ nên phát huy sự thấu cảm của con cái bằng cách dạy trẻ giúp đỡ, chia sẻ với những người bất hạnh, kém may mắn.
7. Tinh thần lạc quan: Nếu cha mẹ luôn rên rỉ, trách móc cuộc đời thì đứa trẻ cũng dễ bị nhiễm không khí nặng nề đó. Vì thế để truyền đạt được tinh thần này, chính phụ huynh phải sống lạc quan trước đã.
Tóm lại cha mẹ không chỉ giảng giải cho con 7 tiêu chí về EQ bằng lời nói mà còn bằng cả lối sống và cách cư xử của mình. Đó chính là bài học thiết thực dành cho con.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần hiểu rằng cảm xúc chi phối mạnh mẽ hành động của con người, từ đó ảnh hưởng đến kết quả của hành động. Trên thực tế, không có quyết định nào của con người là thuần lý trí, mà luôn có vai trò của cảm xúc trong đó. Chẳng hạn, nếu cha mẹ giao cho con một việc mà con không muốn làm, con sẽ làm một cách miễn cưỡng cho xong rồi chẳng màng đến việc ấy nữa. Nhưng nếu đó là một việc con yêu thích, con sẽ dồn hết tâm sức để làm, nên kết quả thường rất tốt, và khi làm xong, con cũng sẽ cảm thấy rất vui. Vì thế hãy cố gắng tạo cho trẻ cảm xúc tích cực khi làm bất kỳ việc gì.
0 Comments: