Thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã, đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả từ những vùng sản xuất chuyên canh nuôi cá đặc sản, trồng rau sạch
Xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du) là một trong những điểm sáng trong sản xuất rau an toàn ở Bắc Ninh với sự phát triển mạnh mẽ của HTX nông sản an toàn Liên Ấp. HTX đang canh tác trên tổng diện tích hơn 20ha, gắn kết được hơn 100 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Ấp cho biết: Trước khi có HTX, người dân thôn Liên Ấp canh tác ruộng lúa là chủ yếu, sản lượng, năng suất không cao, dần dần người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại rau, củ, quả.
HTX nông sản an toàn Liên Ấp khởi đầu từ mô hình tổ hợp tác trồng rau do Hội Nông dân xã hướng dẫn thành lập. Từ hiệu quả ban đầu tổ hợp tác, năm 2018, HTX nông sản an toàn Liên Ấp được thành lập.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày, HTX nông sản an toàn Liên Ấp sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 8 tạ nông sản an toàn. Trong đó, hơn 70% nông sản được Ban Giám đốc ký kết cung ứng cho các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận theo chuỗi giá trị với giá thành ổn định; gần 30% bán ra thị trường tự do.
Trong các năm 2020 -2021, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, HTX nông sản an toàn Liên Ấp vẫn tiêu thụ thuận lợi. Tổng doanh thu của HTX ước đạt 7 – 8 tỷ đồng/năm. Một số thành viên trồng 8 sào – 1,2 mẫu có nguồn thu nhập ổn định 250 – 400 triệu đồng/năm.
Thành lập từ năm 2014, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tùng, thôn Chi Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Bình có 12 thành viên nuôi cá lồng trên sông với tổng số hơn 100 lồng đều được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản lượng cá thu hàng năm ổn định đạt 300 – 350 tấn .
ông Đào Xuân Chuẩn, Giám đốc HTX Xuân Tùng cho biết: “Nuôi cá đặc sản giá trị lớn như cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép giòn nên chúng tôi phải chăn nuôi cẩn thận để hạn chế tối đa thiệt hại, hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản”. Ảnh: Đức Thịnh
“Nuôi cá đặc sản giá trị lớn như cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép giòn nên chúng tôi phải chăn nuôi cẩn thận để hạn chế tối đa thiệt hại, hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Nhìn chung, chăn nuôi theo quy trình VietGAP đòi hỏi các hộ phải kiên trì, kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu. Các thành viên trong HTX thay đổi được nhận thức trong phương thức canh tác. HTX quản lý được đầu vào con giống, đầu ra cá thương phẩm, nguồn nước dưới ao… của các hộ thành viên” – ông Đào Xuân Chuẩn, Giám đốc HTX Xuân Tùng chia sẻ.
Nâng cao chất lượng hoạt động các HTX
Bắc Ninh hiện có 225 HTX hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, trong đó 75% HTX có ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên. 136 HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả theo tiêu chí “tổ chức sản xuất” của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Có 5 HTX nông nghiệp sở hữu 7 sản phẩm OCOP, với 2 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao, và hàng chục HTX có nhãn hiệu hàng hóa, với truy xuất nguồn gốc… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường về số lượng lẫn chất lượng, có ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn với doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
So với các HTX sản xuất theo mô hình truyền thống, HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị có chi phí sản xuất, kinh doanh giảm từ 5-8%, thu nhập của thành viên tăng 20-25%; chất lượng sản phẩm tăng, giá bán ổn định và mang lại nhiều lợi ích.
Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp năm 2021 ước đạt là 765 triệu đồng, tăng 2,5 lần so năm 2013, lãi bình quân ước đạt 160 triệu đồng/HTX, tăng 1,8 lần so năm 2013…
Trong xây dựng nông thôn mới, HTX nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các Đề án, Dự án trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của các thành viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Liên kết sản xuất, phát triển HTX là một trong 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Bắc Ninh đã có 39 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 19 doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Có 6 HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực được Liên minh HTX Việt Nam và Bộ NNPTNT công nhận, tiêu biểu như: HTX nuôi trồng thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành), HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du), HTX Khương Huy (Thuận Thành), HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (Gia Bình)…
Quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, 100% các xã duy trì và nâng chất lượng tiêu chí NTM; có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt 35-40%.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra và tạo động lực cho nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, ngành Nông nghiệp đang tham mưu xây dựng, sửa đổi chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trong đó chú trọng nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX , cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm nòng cốt cho việc chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
0 Comments: